Tiêu chí hoàn thiện pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả ở Việt Nam hiện nay

Tiêu chí hoàn thiện pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả ở Việt Nam hiện nay

Hệ thống tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả[1] ở Việt Nam đã từng bước được hình thành, phát triển, với bốn tổ chức gồm: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC, thành lập năm 2002), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV, thành lập năm 2003), Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC, thành lập năm 2004), Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO, thành lập năm 2010). Đây là các tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận, do các chủ thể quyền thoả thuận xin phép thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả.
Việc thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước đối với các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả ở Việt Nam hiện nay căn cứ vào các quy định tại Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 ban hành luật về quyền lập hội, Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (đã được thay thế bởi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010) và Thông tư số 01/2004/TT-BNV ngày 15/1/2004 hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 88/2003/NĐ-CP (đã được thay thế bởi Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26/11/2010 của Bộ Nội vụ). Đó là những quy định cơ bản về tổ chức và hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nói chung của Việt Nam. Để có thể quản lý tốt hệ thống tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ đã đưa ra một số quy định phù hợp. Tại Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ, lần đầu tiên đã xác lập địa vị pháp lý và những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả. Theo đó, Điều 41 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan cũng có các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả.
Pháp luật hiện hành đã quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập[2]; quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, cơ cấu tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả[3]; quy định về các hoạt động cấp phép, thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao cho các thành viên uỷ thác quyền[4]; quy định về nội dung quản lý nhà nước, trách nhiệm trong quản lý nhà nước đối với tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả[5]; quy định về chế tài để xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả[6] v.v... Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về lĩnh vực hoạt động, về hồ sơ xin phép thành lập; về quy trình thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao của các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả; còn thiếu nhiều chế tài xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả v.v...
Những hạn chế, bất cập nêu trên đã gây ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước đối với các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả ở Việt Nam hiện nay. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của các quan hệ xã hội về quản lý tập thể quyền tác giả, gây thiệt hại tới lợi ích của chủ thể quyền, lợi ích của người sử dụng cũng như lợi ích của Nhà nước và công chúng hưởng thụ. Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Để hoàn thiện một hệ thống pháp luật, chúng ta cần căn cứ vào những tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định. “Có nhiều tiêu chuẩn để xác định mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật trong đó có bốn tiêu chuẩn cơ bản là: Tính toàn diện, tính đồng bộ, tính phù hợp và trình độ kỹ thuật pháp lý”[7]. Theo đó, ta có thể xem xét tiêu chí hoàn thiện pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả ở Việt Nam tập trung ở 4 nội dung sau:
Một là, về tính toàn diện:
“Tính toàn diện là tiêu chuẩn đầu tiên thể hiện mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật. Có thể nói, đây là tiêu chuẩn để định lượng một hệ thống pháp luật, nhưng nó lại có ý nghĩa rất quan trọng, vì chỉ khi nào định lượng được mới có thể tiếp tục nghiên cứu để định tính”[8].
Ở cấp độ chung, pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả phải điều chỉnh hết các quan hệ xã hội về quản lý tập thể quyền tác giả, bao gồm việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả. Ở cấp độ cụ thể, các vấn đề liên quan đến quản lý tập thể quyền tác giả phải được pháp luật quy định và hướng dẫn thi hành một cách cụ thể, chi tiết, ví dụ như vấn đề xây dựng và phê duyệt biểu giá; cấp phép, thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao v.v...
Hai là, về tính đồng bộ:
“Tính đồng bộ của hệ thống pháp luật thể hiện sự thống nhất của nó. Khi xem xét mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật cần phải chú ý xem giữa các bộ phận của hệ thống đó có trùng lặp, chồng chéo hay mâu thuẫn không?”[9].
Ở cấp độ chung, pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giảphải phù hợp với Hiến pháp và các các văn bản pháp luật khác, đảm bảo sự thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật. Ở cấp độ cụ thể, các quy phạm pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả phải không có mâu thuẫn, trùng lắp hay chồng chéo. Khi xây dựng pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả, các nhà làm luật cần quán triệt tinh thần của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là văn bản của cấp dưới không được trái với văn bản của cấp trên, kể cả về nội dung và hình thức.
Ba là, về tính phù hợp:
“Tính phù hợp của hệ thống pháp luật thể hiện sự tương quan giữa trình độ của hệ thống pháp luật và trình độ phát triển của kinh tế xã hội. Hệ thống pháp luật phải phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế xã hội, nó không thể cao hơn hoặc thấp hơn trình độ phát triển đó. Tính phù hợp của hệ thống pháp luật thể hiện nhiều mặt, khi xem xét tiêu chuẩn này cần chú ý đến các mặt và giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế, chính trị, đạo đức, phong tục, tập quán truyền thống và các quy phạm xã hội khác”[10].
Nội dung pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả phải phù hợp với thực tiễn của đời sống xã hội. Thực tế cho thấy rằng, sự điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật sẽ không có hiệu quả nếu pháp luật đó không gắn với thực tiễn. Và như vậy, nó sẽ không thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển, thậm chí kìm hãm sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, do quản lý tập thể quyền tác giả là vấn đề mới đối với Việt Nam, nên trong chừng mực nhất định, pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả có thể đưa ra các quy phạm pháp luật mang tính chất “khai phá” để mở đường, gây dựng những quan hệ xã hội mới, định hướng cho hoạt động quản lý tập thể quyền tác giả phát triển. Mặt khác, pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả phải có những quy định hài hoà, tương thích với pháp luật quốc tế. Điều này đòi hỏi khi xây dựng pháp luật, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải nghiên cứu, tham khảo, chọn lọc những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam cho phù hợp.
Bốn là, về trình độ kỹ thuật pháp lý:
“Kỹ thuật pháp lý là một vấn đề rộng lớn, phức tạp trong đó có ba điểm quan trọng, cần thiết phải chú ý khi xây dựng và hoàn thiện pháp luật là:
- Kỹ thuật pháp lý thể hiện ở những nguyên tắc tối ưu được vạch ra để áp dụng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật;
- Trình độ kỹ thuật pháp lý thể hiện ở việc xác định chính xác cơ cấu của pháp luật;
- Cách biểu đạt bằng ngôn ngữ pháp lý phải đảm bảo tính cô đọng, lôgíc, chính xác và một nghĩa”[11].
Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả phải được tiến hành một cách khoa học, đúng nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung và trình tự thủ tục ban hành. Mỗi văn bản pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả phải có kết cấu văn bản hợp lý, phương pháp trình bày rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, ngôn ngữ chính xác, phổ thông. Để đạt được tiêu chí này, đòi hỏi các nhà làm luật không những am hiểu về chuyên môn mà còn tinh thông về mặt ngôn ngữ, văn phong; không những biết kế thừa những truyền thống xây dựng pháp luật của Việt Nam, mà còn biết học tập những tinh hoa, những văn minh của nhân loại.
Tóm lại, nếu như các tiêu chí về tính toàn diện, tính đồng bộ, tình phù hợp là những tiêu chí về nội dung, thì kỹ thuật pháp lý là tiêu chí về hình thức của việc hoàn thiện pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả. Theo đó, hoàn thiện pháp luật về quản lý tập thể quyền tác giả phải được nhìn nhận một cách tổng quát, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội về thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước đối với các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả ở Việt Nam hiện nay.

Ths. Phạm Thanh Tùng

 

 
 

[1] Trong bài này, quyền tác giả được hiểu bao gồm cả quyền liên quan
 

[2] Xem Điều 5, 6, 7, 9 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP
 

[3] Xem Điều 3, 19, 21, 23 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP
 

[4] Xem Điều 41 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2011/NĐ-CP
 

[5] Xem Điều 36, 37 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP
 

[6] Xem Điều 7 Nghị định số 47/2009/NĐ-CP
 

[7] Trường Đại học Luật Hà Nội (2003), Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, Trang 407
 

[8] Trường Đại học Luật Hà Nội (2003), Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, Trang 407
 

[9] Trường Đại học Luật Hà Nội (2003), Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, Trang 407
 

[10] Trường Đại học Luật Hà Nội (2003), Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, Trang 408
 

[11] Trường Đại học Luật Hà Nội (2003), Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, Trang 408-409

 

Bài viết liên quan