VỀ QUYỀN TÁC GIẢ - p1

VỀ QUYỀN TÁC GIẢ - p1

Khái niệm về Sở hữu trí tuệ:
Khi đề cập tới quyền sở hữu trí tuệ là đề cập tới quyền của con người đối với một loại tài sản đặc biệt. Tài sản này được tạo ra do lao động sáng tạo của con người. Hàm lượng chất xám của lao động được kết tinh ở các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới và luật của hầu hết các quốc gia thừa nhận quyền tinh thần và quyền kinh tế của những người sáng tạo ra tài sản trí tuệ, đồng thời đảm bảo sự hài hoà lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ.
Sở hữu trí tuệ là phạm trù rộng, với ba lĩnh vực khác nhau gồm quyền tác giả và quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng. Lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan được bảo hộ theo cơ chế các quyền tự động phát sinh ngay sau khi tác phẩm được hình thành. Trong khi lĩnh vực sở hữu công nghiệp và giống cây trồng, các quyền phải được xác lập bằng việc cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (Wipo) là một trong số các tổ chức chuyên môn thuộc Liên hợp quốc, được thành lập năm 1967 theo bản kí kết thành lập tại Stockholm. Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của Wipo phải được tính từ khi thông qua Công ước Pari vào năm 1853, và Công ước Berne năm 1886. Wipo có sứ mệnh thúc đẩy hợp tác quốc tế trong hoạt động sáng tạo, phổ biến, sử dụng và bảo hộ tài sản trí tuệ của con người nhằm phát triển kinh tế, văn hoá của xã hội của con người. Đến thời điểm này đã có 162 quốc gia là thành viên của Wipo, Việt Nam trở thành thành viên của Wipo vào ngày 2-7-1976 .
Nguồn gốc và sự phát triển bản quyền:
Trên khắp thế giới, quyền của những người sáng tạo được công nhận là quyền cá nhân, ghi tại Điều 27 Tuyên ngôn nhân quyền ngày 10-12-1948. Theo Công ước Berne thì nó là các quyền độc quyền của tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
Hệ thống luật án lệ với bước phát triển đầu tiên về bản quyền bắt nguồn từ phán quyết của Toà án Anh Quốc, về đặc quyền in ấn. Nữ hoàng Anh Anne đã tạo ra bước ngoặt cơ bản ở việc trao quyền in ấn tác phẩm cho tác giả của nó vào năm 1710. Cùng với hệ thống luật án lệ, hệ thống luật thành văn với nhiều xuất xứ, nhưng mốc lịch sử quan trọng nhất nảy sinh ra vấn đề bản quyền bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Với cách tiếp cận từ các quyền tự nhiên, quyền đối với tác phẩm được coi là loại quyền “đặc biệt” của các cá nhân là tác giả của tác phẩm được sáng tạo từ lao động của tư duy. Nó là quyền sở hữu riêng tư và thiêng liêng đối với tác phẩm.
Ngày nay, trên khắp thế giới, các quyền của những người sáng tạo như nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ đã được luật pháp quốc gia bảo hộ. Để điều chỉnh mối quan hệ toàn cầu, các nội dung cơ bản về quyền tinh thần và quyền kinh tế của tác giả đã được luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế quy định đồng nhất.
Các quyền của tác giả được pháp luật thừa nhận, mỗi cá nhân tác giả phải tự quản lí lấy các quyền của mình, khai thác nó để đạt được các lợi ích kinh tế, bù đắp các tiêu hao trong quá trình sáng tạo; đồng thời tiếp tục đầu tư cho hoạt động sáng tạo ra các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học mới phục vụ được nhu cầu đa dạng, phong phú của xã hội loài người.
Tuy nhiên lịch sử đã tìm ra “lối đi” cho việc quản lí quyền. Điều này được xác nhận từ kinh nghiệm lịch sử, kể cả trong điều kiện các sáng tạo là sản phẩm đa phương tiện, cùng những tiến bộ mới đang được áp dụng rộng rãi là công nghệ số. Thay vì tác giả tự quản lí quyền của mình – quản lí cá nhân – trong nhiều trường hợp không hiệu quả bằng quản lí tập thể. Nhu cầu nhanh chóng tiếp cận tác phẩm để sử dụng, nhu cầu sử dụng tác phẩm ở nhiều hình thức khác nhau là đòi hỏi thực tế. Trong khi việc tiếp cận với tác giả không phải là bất kì thời gian và địa điểm nào. Mặt khác, với tư cách là người sáng tạo, tác giả cần ưu tiên đầu tư thời gian, vật chất, kể cả địa điểm thuận lợi cho lao động tư duy của mình. Vì vậy, sự khai thông và thay thế cho quản lí cá nhân bằng quản lí tập thể là cách thức thỏa đáng. Sự xuất hiện của giải pháp có lợi – quản lí tập thể - cho cả người sáng tạo và nhà sử dụng, cũng như nhu cầu của công chúng về việc được hưởng thụ sớm các tác phẩm là lời giải của những mâu thuẫn. “Quản lí tập thể” là kinh nghiệm lịch sử của nhân loại, bắt nguồn từ các nước có nền công nghiệp bản quyền phát triển, đã mở đường để đạt được sự hài hòa về lợi ích trong quan hệ giữa Người sáng tạo – Nhà sử dụng – Công chúng hưởng thụ.
Hệ thống bản quyền ở Việt Nam:
Ngay từ bản hiến pháp đầu tiên vào năm 1946, Nhà nước Việt Nam đã ghi nhận những quyền cơ bản của công dân liên quan đến quyền tác giả, thể hiện tư tưởng tiến bộ nhân văn về quyền con người. Đó là quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của công dân, là việc Nhà nước cam kết bảo vệ quyền lợi của trí thức, tôn trọng quyền tư hữu tư nhân về tài sản. Tư tưởng lập pháp đó đã tiếp tục được thể hiện tại Hiến pháp 1959, 1980 và Hiến pháp 1992 đang có hiệu lực thi hành.
Năm 1986 với Nghị định 142/HĐBT, lần đầu tiên ở Việt Nam một văn bản riêng biệt về quyền tác giả đã được ban hành với những quy định cơ bản, ban đầu với sự giúp đỡ của hãng VAB (Hãng bảo hộ quyền tác giả của Liên Xô cũ). Trước yêu cầu của sự phát triển, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về quyền tác giả vào tháng 10-1994. Tại kì họp thứ 8 khoá IX, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự, trong đó có các quy định về quyền tác giả. Với 36 điều quy định riêng về quyền tác giả tại chương I, phần thứ 6 và phần thứ 7 Bộ luật Dân sự, nó đã điều chỉnh hầu hết các quan hệ dân sự về quyền tác giả, trong điều kiện đất nước chuyển đổi cơ chế quản lí từ tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường.
Để thúc đẩy các bước phát triển mới trong hoạt động bảo hộ tại quốc gia và hội nhập quốc tế, tại kì họp thứ 8 khóa XI ngày 29-11-2005, Quốc hội đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ. Với 222 điều, Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh các quan hệ sáng tạo, bảo hộ tài sản trí tuệ của ba đối tượng gồm quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Nhằm khắc phục kịp thời một số hạn chế, cản trở thực thi tại quốc gia và hội nhập quốc tế, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ tại kì họp thứ 5 ngày 19-6-2009 với 33 điều sửa đổi, bổ sung.
Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Di sản Văn hoá, Luật Điện ảnh, Pháp lệnh Quảng cáo cũng có một số điều khoản quy định về quyền tác giả, nhằm tăng cường quản lí ở các lĩnh vực đặc biệt quan trọng này. Luật Hải quan đã có quy định các biện pháp bảo hộ tại biên giới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Hệ thống các chế tài về hành chính, dân sự và hình sự đã được hình thành, đảm bảo cho các quy định pháp luật về quyền tác giả được thi hành với bộ máy cưỡng chế của Nhà nước. Tại Bộ luật Hình sự sửa đổi tháng 6 năm 2009 có quy định mức phạt tối đa là 200 triệu đồng và 3 năm tù giam, đối với các hành vi thuộc tội phạm quyền tác giả. Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2008 đã quy định mức phạt phạt tối đa là 500 triệu đồng đối với hành vi xâm hại quyền tác giả, quyền liên quan.
Đồng thời với hệ thống pháp luật quốc gia đã được định hình như trên, Hiệp định song phương về thiết lập quan hệ quyền tác giả, Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kì, Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Liên bang Thụy Sỹ cũng đang có hiệu lực thi hành.
Cùng với các điều ước quốc tế song phương trên, Việt Nam đã là thành viên của 5 điều ước quốc tế đa phương gồm Công ước Berne bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; Công ước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng; Công ước Brussel bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình truyền qua vệ tinh đã mã hóa; Công ước Geneva bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép bất hợp pháp bản ghi âm của họ. Hiệp định Trips về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Các công ước song phương và đa phương trên đã trở thành một bộ phận của pháp luật quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan.
Có thể khẳng định rằng hoạt động lập pháp, lập quy về quyền tác giả, quyền liên quan đã có bước phát triển vượt bậc, tạo lập được hành lang pháp lí an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo phát triển, đồng thời bảo hộ thành quả lao động sáng tạo đã kết tinh trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Luật pháp đó đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng, và công chúng hưởng thụ; bảo vệ lợi ích quốc gia trong hội nhập; thể hiện tính thống nhất, minh bạch và khả thi. Về cơ bản nó phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở pháp lí cho các hoạt động bảo hộ tại quốc gia và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới./.

 

Ts. Vũ Mạnh Chu

 

Bài viết liên quan