Quyền của người liên quan trong bản quyền tác giả

Quyền của người liên quan trong bản quyền tác giả

Quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với các sản phẩm do lao động sáng tạo của họ tạo ra trong việc chuyển tải tác phẩm thuộc quyền tác giả đến công chúng. Các quyền liên quan được bảo hộ gồm: Quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm và quyền của tổ chức phát sóng.
1. Quyền của người biểu diễn:
     - Người biểu diễn là người thực hiện các hoạt động sáng tạo trong việc thể hiện, để đưa các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học của các tác giả đến công chúng. Người biểu diễn bao gồm các diễn viên, ca sĩ, vũ công, nhạc công và những người khác đóng vai diễn, đọc, ngâm, trình bày hoặc các thể hiện khác tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
Chủ thể biểu diễn là những người thực hiện các hoạt động biểu diễn. Trong trường hợp họ đồng thời là người đầu tư tài chính, các điều kiện vật chất khác quyết định việc hình thành cuộc biểu diễn thì họ là chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn và được hưởng các quyền tài sản. Nếu họ không là người đầu tư tài chính và các điều kiện vật chất thì họ chỉ được hưởng các quyền nhân thân.
     - Các khách thể quyền biểu diễn là các cuộc biểu diễn tác phẩm của tác giả, do người biểu diễn thực hiện tại lãnh thổ quốc gia và nước ngoài. Khi đề cập tới việc xâm hại quyền của người biểu diễn, chúng ta hiểu rằng các khách thể quyền bị khai thác, sử dụng bất hợp pháp. Trường hợp cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình thì nó được bảo hộ quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Nếu người biểu diễn đầu tư tài chính và các điều kiện vật chất cho việc định hình bản ghi âm, ghi hình thì họ đồng thời là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Nếu cuộc biểu diễn không được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà được phát sóng thì nó được bảo hộ theo quyền của tổ chức phát sóng.
    - Đối tượng bảo hộ quyền biểu diễn chính là các quyền nhân thân và quyền tài sản của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn. Quyền nhân thân của người biểu diễn bao gồm quyền được giới thiệu tên khi biểu diễn, ghi tên trên bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc bằng bất kì hình thức nào gây phương hại tới danh dự, uy tín của người biểu diễn.
Người biểu diễn có các quyền độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền tài sản sau:
+ Quyền định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình.
+ Quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình.
Sao chép trực tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình là việc tạo ra các bản sao khác từ chính bản ghi âm, ghi hình đó. Sao chép gián tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình là việc tạo ra các bản sao khác không từ chính bản ghi âm, ghi hình đó; như việc sao chép từ mạng thông tin điện tử, chương trình phát sóng, dịch vụ mạng bưu chính viễn thông và các hình thức tương tự khác.
+ Quyền phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình.
+ Quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kì phương tiện kĩ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa định hình là việc phổ biến nó đến công chúng bằng bất kì phương tiện kĩ thuật nào, trừ phát sóng. Trong trường hợp nhiều người tham gia biểu diễn, thì có thể chọn người đại diện thực hiện các quyền nêu trên.
Quyền nhân thân và quyền tài sản nêu trên chỉ thuộc về người biểu diễn khi họ không gây phương hại tới quyền tác giả. Những tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các quyền tài sản của người biểu diễn phải trả thù lao cho người biểu diễn theo quy định pháp luật và theo thỏa thuận.
    - Giới hạn quyền của người biểu diễn:
Các giới hạn quyền được coi là những trường hợp ngoại lệ, mà hầu hết các quốc gia đều áp dụng khi đưa ra quy định về giới hạn quyền tại luật quốc gia. Việc quy định giới hạn quyền được thực hiện theo nguyên tắc “phép thử ba bước”, do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đề xuất, đó là: Các giới hạn chỉ là những trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể trong luật; không ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường; không gây phương hại đến quyền của chủ sở hữu. Giới hạn quyền của người biểu diễn được quy định tại luật Việt Nam:
Trong trường hợp sử dụng cuộc biểu diễn không nhằm mục đích thương mại, thì không phải xin phép, không phải trả nhuận bút, thù lao. Nó gồm việc sao chép 01 bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; trích dẫn hợp lí với mục đích cung cấp thông tin, tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi tổ chức phát sóng được hưởng quyền phát sóng. Trích dẫn được coi là hợp lí khi phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề trong việc cung cấp thông tin; số lượng và thực chất của phần trích dẫn không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn được sử dụng để trích dẫn và phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình quyền liên quan được sử dụng để trích dẫn.
    - Về thời hạn bảo hộ, người biểu diễn được hưởng thời hạn bảo hộ 50 năm, tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình, và kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ. Thời hạn này được quy định tại Công ước Rome là 20 năm, kể từ khi cuộc biểu diễn được định hình hoặc thực hiện.
2. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm:
    - Nhà sản xuất bản ghi âm là tổ chức thực hiện các hoạt động sáng tạo của những người liên quan, đồng thời áp dụng những công nghệ phù hợp để chuyển tải tác phẩm thuộc quyền tác giả đến công chúng, thông qua việc sản xuất ra bản ghi âm.
Nhà sản xuất bản ghi âm là một cá nhân hoặc một pháp nhân định hình lần đầu âm thanh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh khác.
Bản ghi âm là bất kì một bản định hình nào về các âm thanh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh khác dành riêng cho cơ quan thính giác.
Âm thanh các cuộc biểu diễn và các hình ảnh có thể cùng được định hình, vì vậy một số quốc gia trong đó có Việt Nam gọi là “Bản ghi âm, ghi hình”. Tuy nhiên, bản ghi âm, ghi hình này không bao gồm tác phẩm điện ảnh, hoặc tác phẩm được tạo ra tương tự như tác phẩm điện ảnh.
    - Chủ thể quyền đối với bản ghi âm là những cá nhân, tổ chức đầu tư tài chính và các điều kiện vật chất khác quyết định việc hình thành bản ghi âm. Họ là chủ sở hữu đối với bản ghi âm và được hưởng các quyền tài sản đối với bản ghi âm.
    - Khách thể quyền của nhà sản xuất bản ghi âm là các bản ghi âm. Tại Việt Nam, nó có thể bao gồm cả ghi hình, nên được gọi bản ghi âm, ghi hình. Theo Công ước Rome, quốc tịch là tiêu chí để xác định bản ghi âm của một nước thành viên. Tương tự như vậy, định hình lần đầu cũng là tiêu chí để các quốc gia dành sự đối xử cho các nước thành viên khác.
   - Đối tượng bảo hộ quyền ghi âm chính là các quyền độc quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, bao gồm:
+ Quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm của mình;
+ Quyền phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao bản ghi âm của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kì phương tiện kĩ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Chẳng hạn, phân phối trên mạng thông tin điện tử.
Sao chép trực tiếp bản ghi âm là việc tạo ra các bản sao khác từ chính bản ghi âm đó. Sao chép gián tiếp bản ghi âm là việc tạo ra các bản sao khác không từ chính bản ghi âm đó, như việc sao chép từ mạng thông tin điện tử, từ chương trình phát sóng, từ dịch vụ mạng bưu chính viễn thông hoặc các hình thức tương tự khác.
   - Về giới hạn quyền của nhà sản xuất bản ghi âm: Tương tự như các giới hạn quyền của người biểu diễn, khi các quốc gia đưa ra các quy định tại luật quốc gia, phải đảm bảo thỏa mãn các điều kiện, gồm: các giới hạn chỉ là những trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể trong luật, không ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường và không gây phương hại tới quyền của nhà sản xuất bản ghi âm. Có hai trường hợp về giới hạn quyền được quy định tại luật Việt Nam. Truờng hợp thứ nhất là việc sử dụng không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao gồm việc tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy của cá nhân, lưu trữ tại thư viện; trích dẫn hợp lí nhằm mục đích cung cấp thông tin, giảng dạy. Trường hợp thứ hai là việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm đã công bố nhằm mục đích thương mại, để phát sóng có tiền tài trợ, tiền quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kì một hình thức nào, không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng. Trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Trường hợp sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm đã công bố nhằm mục đích thương mại, để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kì hình thức nào, không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng, kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ. Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, đã công bố nhằm mục đích thương mại trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng. Trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện ra tòa.
    - Thời hạn bảo hộ quyền nhà sản xuất bản ghi âm, theo luật Việt Nam là 50 năm tính từ năm tiếp theo năm công bố lần đầu tiên bản ghi âm, hoặc 50 năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm được định hình, nếu bản ghi âm chưa được công bố. Công ước Geneva và Công ước Rome quy định thời hạn bảo hộ tối thiểu không ít hơn 20 năm, kể từ khi kết thúc năm mà bản ghi âm được định hình lần đầu, hoặc của năm mà bản ghi âm được công bố lần đầu. Thời gian kết thúc thời hạn bảo hộ kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 31 tháng 12 năm chấm dứt thời hạn bảo hộ.
3. Quyền của tổ chức phát sóng:
    - Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng do mình thực hiện. Tổ chức phát sóng bao gồm các đài phát thanh, đài truyền hình.
    - Khách thể quyền phát sóng là các chương trình phát sóng. Khi đề cập tới việc xâm hại quyền của tổ chức phát sóng thì nó chính là hành vi sử dụng bất hợp pháp các khách thể này.
    - Đối tượng bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng là các quyền độc quyền do tổ chức phát sóng tự thực hiện hoặc cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Các quyền này bao gồm:
+ Quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;
+ Quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình;
+ Quyền định hình chương trình phát sóng của mình;
+ Quyền sao chép chương trình phát sóng của mình.
Theo Công ước Rome, phát sóng là việc truyền bằng phương tiện vô tuyến âm thanh hoặc những hình ảnh và âm thanh để công chúng có thể tiếp nhận được. Tuy nhiên, thuật ngữ này đã được mở rộng tới các phương tiện hữu tuyến, mạng thông tin điện tử.
Tái phát sóng là việc phát sóng đồng thời bởi một tổ chức phát sóng một chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác. Các đài truyền hình địa phương tiếp sóng chương trình của VTV cũng được hiểu là tái phát sóng.
Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng quyền tài sản của mình như việc cho phép tái phát sóng, phân phối chương trình phát sóng đến công chúng, định hình và sao chép chương trình phát sóng.
   - Giới hạn quyền của tổ chức phát sóng là các ngoại lệ, được quy định cụ thể trong những trường hợp đặc biệt được ghi tại luật quốc gia. Tuy nhiên, việc sử dụng chương trình phát sóng không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng, đồng thời không gây phương hại đến quyền của tổ chức phát sóng.
Luật Việt Nam đưa ra ngoại lệ, trong trường hợp việc sử dụng chương trình phát sóng không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao khi sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân; trích dẫn hợp lí nhằm mục đích cung cấp thông tin; tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng.
    - Thời hạn bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng là 50 năm, tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện và kết thúc vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ.
Theo Công ước Rome, thời hạn bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng đối với chương trình phát sóng được kéo dài ít nhất cho đến khi kết thúc thời hạn 20 năm, kể từ cuối năm phát sóng đối với các chương trình phát sóng.

 

TS. Vũ Mạnh Chu

Bài viết liên quan