Thị trường đang chìm ngập trong thế giới của những nhãn hiệu. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, ít quan tâm của người mua, bằng vài động tác "nhập nhằng", nhà sản xuất đã làm ra những mê hồn trận thông tin về sản phẩm.
Câu chuyện mới đây về sự sai sót trong ghi nhãn sản phẩm Knorr Đảm Đang một lần nữa nhắc nhở người tiêu dùng về sự cẩn tắc khi mua sắm.
Khó hiểu về thành phần là điều hay gặp nhất ở những nhãn hiệu mặt hàng thực phẩm. Ngay trong vụ hạt nêm được nhắc ở trên, thì với gần chục loại nhãn hiệu bột nêm nếm hay hạt nêm trên thị trường hiện nay, nhãn hiệu nào cũng nhắc tới những loại hương vị bổ béo khác nhau: vị heo, bò, gà, hải sản... Nhưng hàm lượng thịt chứa trong các loại hạt nêm là bao nhiêu, thành phần chính là gì thì không phải người tiêu dùng nào cũng để ý hoặc biết được.
Ngay cách đặt tên gọi của sản phẩm cũng gây tranh cãi giữa các nhà sản xuất và cơ quan quản lý. Knorr Đảm Đang tự đặt cho sản phẩm cái tên khác người là "sản phẩm nêm nếm đa dụng" và không công nhận là mình thuộc nhóm bột canh gia vị, nhưng khi kiểm nghiệm thì mới phát hiện ra là sản phẩm cũng có chứa đến 53,8% muối và 30% bột ngọt. Dưới sức ép của dư luận và yêu cầu của cơ quan chức năng, Knorr Đảm Đang buộc phải thay đổi tên sản phẩm và ghi lại nhãn sản phẩm để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Hay thời gian gần đây, một hãng thực phẩm khác tung ra thị trường sản phẩm hạt nêm gia vị từ bào ngư. Tỷ lệ bào ngư bổ sung vào sản phẩm là bao nhiêu thì chỉ có người sản xuất mới biết chính xác. Nhưng tỷ lệ này có nhiều đến độ như trong quảng cáo là "tốt cho em bé" hay không, trong khi sản phẩm này lại cũng chứa đến hơn 50% là muối?
Hàm lượng thịt thật có trong nhiều loại hạt nêm thường rất thấp, từ 1 đến 3%, thành phần chủ yếu là muối khoảng 50%, bột ngọt khoảng 30%, đường từ 10 đến 15%, còn lại là các gia vị khác như tiêu, tỏi, hành, dầu ăn và hương liệu. Do Nhà nước chưa yêu cầu nên hầu hết các loại hạt nêm trên thị trường đều không ghi tỷ lệ phần trăm các chất sử dụng.
Sự thiếu rõ ràng về các chất trong thành phần cũng được tận dụng. Với những khái niệm "điều vị 621, 631 và 627", sẽ ít người tiêu dùng bình thường hiểu. Đó chỉ là chất phụ gia thực phẩm: 621 là bột ngọt, 627 và 631 là hai chất tăng vị có tên Disodium 5’ Guanylate và Dosodium 5’ Inosinate hay còn gọi là siêu bột ngọt, khi kết hợp với bột ngọt thì cường độ tạo ngọt của hai chất này lớn hơn rất nhiều lần.
---------------CÔNG TY LUẬT BẮC VIỆT-------------------------------